Chia sẻ về chủ đề “Nguyên tắc quản lý 1%” trong buổi Leader Talk #03, anh Đặng Thế Tài đưa ra nhiều quan điểm thú vị tới nhân viên CMC. Bên cạnh đó, khán giả cũng hào hứng với bài học bước ra khỏi vùng an toàn, luôn tự thách thức bản thân của anh.
Để giỏi lên phải tự học và chia sẻ kiến thức
Buổi Leader Talk của diễn giả Đặng Thế Tài diễn ra vào chiều 25/1 tại Hà Nội. Kết thúc quý III kinh doanh, công việc bộn bề nhưng CBCNV CMC vẫn đến tham dự rất đông, ai cũng hi vọng vị diễn giả nổi tiếng hoạt ngôn này sẽ mang đến nhiều câu chuyện thú vị. Không để mọi người thất vọng, anh Tài nói liền 3 tiếng không nghỉ và nhiều key word đã được các bạn trẻ nhanh chóng ghi vào sổ tay.
Mở đầu câu chuyện, anh Tài nhớ lại những ngày mới về Việt Nam sau 14 năm học và trải nghiệm văn hóa phương Tây. Anh chọn CMC Sài Gòn vì không muốn lập nghiệp ở Hà Nội, nhất định không làm công ty nhà nước nhưng cũng quả quyết không làm cho doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều kỳ vọng ở một doanh nghiệp tư nhân trẻ và mong muốn làm nên “nhiều FPT” cho Việt Nam song anh Tài vẫn thất vọng: “CMC đầy đủ đặc trưng của một công ty Việt Nam. Điều khiến tôi đặc biệt khó chịu là nhiều người khư khư giữ kiến thức cho riêng mình. Đó là nguyên nhân hàng đầu khiến tập thể không tiến lên được”, anh chia sẻ.
Ở Nga, anh Tài đã từng tự làm một trang chia sẻ tài liệu kỹ thuật với chi phí tự chi trả lên tới cả ngàn USD mỗi tháng nên văn hóa chia sẻ được anh đề cao hơn hết. Việc đầu tiên ở CMC của anh tài là làm thư viện online để chia sẻ kiến thức. Anh khẳng định: “Học được nhiều nhất là lúc đi dậy lại, chia sẻ lại cho người khác”.
Coi trọng nền tảng học thuật, khi lên làm lãnh đạo, anh Tài luôn khuyến khích nhân viên học và chia sẻ kiến thức. CMC SISG vẫn nổi tiếng là nơi nhân viên được đào tạo nhiều nhất, ngay cả trong lúc công ty khó khăn vẫn sẵn sàng chi trả mỗi năm một tháng lương cho một nhân viên đi học. Anh Tài cho nhân viên học thiền, kinh dịch, tâm lí… bên cạnh học kĩ năng chuyên môn để có tư tưởng thoải mái, làm việc tốt hơn.
Làm thử sai sửa
Ở CMC SISG, thứ được đề cao nhất đó là sự sáng tạo. Để sáng tạo, Tổng giám đốc cho rằng không được sợ sai, sợ thất bại miễn sao phải kiểm soát được sự thất bại trong vòng an toàn. Câu khẩu hiệu anh Tài thường nhắc đi nhắc lại là “Làm nhanh, thử nhanh, sửa nhanh” và “khi cầu toàn sẽ không có sự sáng tạo”. Chính nhờ quan điểm “thoáng” của sếp mà nhân viên SISG luôn dám làm cái mới, cái hay và dám phạm sai lầm.
Từ bài học sáng tạo, anh Tài cũng mang đến buổi trò chuyện bài học làm sao có được thành công. “Thành công chỉ có được khi con người ta biết đặt ra các mục tiêu, 100% thành công có được là ở mục tiêu đúng. Khi đã có mục tiêu, ta sẽ nghĩ ra hàng trăm phương pháp để đạt được mục tiêu đó”, câu nói của anh Tài khiến cả hội trường vỗ tay hưởng ứng.
Tổng giám đốc SISG cũng khích lệ mọi người dũng cảm thử thách bản thân. Anh nói, ai cũng thích ở trong vùng dễ chịu nhưng chỉ sáng tạo và có được thành công khi dám bước một chân vào vùng khó chịu. Khi đã dám bước, ta sẽ biến vùng khó chịu thành vùng dễ chịu. Để khích lệ nhân viên dám bước, anh Tài đã nhiều lần nói: “Em cứ làm đi, sai anh chịu trách nhiệm” hay “Anh tin em làm được”. Những lời nói đó đã truyền cho nhân viên của anh động lực để họ tự tin bước vào vùng khó chịu mà vẫn yên tâm nếu ngã luôn có người đỡ.
Con người đi trước là nền móng cho doanh nghiệp
Mỗi nội dung trong suốt cuộc trò chuyện của Tổng giám đốc Đặng Thế Tài luôn quay về vấn đề con người. Với anh con người là yếu tố then chốt, là nền móng cho doanh nghiệp. Anh trở lại với câu chuyện khi mới nhận vị trí được cho là rất thách thức – đầu tầu CMC SISG: “Tôi là dân kỹ thuật, không giỏi về kinh doanh, không biết nhiều về thị trường nên phải mày mò học dần. Lúc này tôi đặt niềm tin và công sức hơn cả vào việc phát triển nhân sự. Con người sẽ là nền móng vững chắc để doanh nghiệp phát triển”.
Bên cạnh việc cho nhân viên đi học, anh cũng rất chú trọng đến những việc nho nhỏ như mua hoa tặng chị em ngày lễ, quan tâm đến nhân viên trẻ mới vào bằng cách “giao cho chúng những việc thật áp lực, vờ như không theo dõi nhưng sẵn sàng lao ra đỡ khi sắp bể”. Ở công ty của anh, quyền lợi của sếp (lương, thưởng) đều hình thành từ quyền lợi của nhân viên. Ngay trong những lúc SISG khó khăn nhất, doanh thu âm, anh Tài vẫn sẵn sàng chi hơn 2 tỷ mỗi năm để thuê văn phòng mới, tạo không gian mở cho nhân viên được trải nghiệm môi trường dân chủ và có điều kiện phối hợp nhịp nhàng để đạt kết quả tốt. Ở vai trò Tổng giám đốc, anh Tài có thể nghỉ cả tuần để đi thiền công việc vẫn trơn tru nhưng có những khoản chi chỉ vài triệu đồng mà ảnh hưởng đến nhân viên anh vẫn tận tay giải quyết. Anh cũng sẵn sàng giao việc đến tận cấp nhân viên để đảm bảo không ai bị thiệt. Anh cũng không bao giờ yêu cầu nhân viên làm những việc cần 5 ngày để hoàn thiện mà phải xong trong 1 ngày, bởi đó là điều bất hợp lý.
Với vị Tổng giám đốc này thành công của người quản lý là chỉ làm 1% công việc, làm những thứ thực sự cần. “Phần thưởng cho người quản lý không phải lương thưởng mà là sự thành công của nhân viên. Mình tự hào vì mình đào tạo được nhân viên giỏi. Đôi khi trong công việc, đừng đi vào cái lý mà quên đi việc tạo động lực cho nhân viên”, anh tâm đắc.
Sẵn sàng đối mặt với sự thật phũ phàng nhưng không mất niềm tin
Hành trình hơn 12 năm đồng hành cùng CMC SISG của anh Tài chưa khi nào hết gập ghềnh. Bắt đầu vào thời điểm SISG tưởng như đổ bể vì Tổng giám đốc cũ nghỉ việc, sau đó là doanh thu âm, nhiều lãnh đạo cấp trung nghỉ việc, phải cắt giảm nhân sự… Đến bây giờ, công ty vẫn tiếp tục thay đổi hệ thống quản trị. Nhưng anh Tài khẳng định SISG và nhân viên ngày càng trưởng thành vì: “Chúng tôi sẵn sàng đối mặt với sự thật phũ phàng nhưng không mất niềm tin”.
Anh Tài thường rèn bản lĩnh nhân viên bằng cách buộc họ phải phản biện. “Có những thứ tôi rất ưng ý nhưng vẫn nói không được để các bạn phải phản biện, bảo vệ tâm huyết của mình. Qua đó, tôi sẽ đánh giá được tâm sức bạn dành cho sản phẩm của mình đến đâu”. Anh cũng nhắn nhủ các bạn trẻ trong buổi trò chuyện: “Đừng mất niềm tin, vì đôi khi sếp bảo sai không có nghĩa là sai, sếp nói không được chưa hẳn là dừng lại. Chỉ cần bạn dám nghĩ, dám làm là được. Trong mọi hoàn cảnh không có tình huống không có lối thoát. Nó tích cực hay tiêu cực là do mình nghĩ không phải do ngoại cảnh”.
Từ câu chuyện của bản thân mình, một người không biết về kinh doanh, chăm sóc khách hàng hay marketing nhưng phải lao vào tự học, tự đọc để biết và quản lý nhân viên. Anh Tài cũng nhắn nhủ đến các anh, chị quản lý trong buổi trò chuyện: “Làm sếp không có việc gì không thể làm, không phải làm hay không nên làm. Làm được tất”, đó là niềm tin của anh Tài.
Buổi trò chuyện khép lại với nhiều thông điệp về cách làm sếp của anh Đặng Thế Tài nhưng bất cứ ai ở vị trí làm việc nào được lắng nghe anh chia sẻ cũng rút ra những bài học cho riêng mình. Đó không chỉ là câu chuyện quản lý doanh nghiệp mà còn là cách làm thế nào để quản lý mục tiêu, quản lý bản thân và hơn cả là tinh thần không ngừng thách thức bản thân và vượt ra khỏi vùng an toàn.
LEADER TALK – LUÔN LẮNG NGHE VÀ THẤU HIỂU
Leader talk là chuỗi chương trình do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực (RDC) tổ chức. Đến nay, đã có 3 buổi trò chuyện được tổ chức tại Tập đoàn CMC. Nội dung các buổi chia sẻ dựa trên hai mục tiêu chính. Mục tiêu lãnh đạo qua giảng dạy (Leading by teaching), Lãnh đạo cấp cao nhất sẽ chia sẻ để truyền tải giá trị cốt lõi, tinh thần tổ chức đến nhân viên. Mục tiêu học qua giảng dạy (Learning by teaching) thông qua các hoạt động chia sẻ, lãnh đạo cũng tự mình phát triển bản thân, hoàn thiện các kỹ năng lẵng đạo, lắng nghe được các vấn đề thực tiễn từ nhiều cấp độ các nhau trong doanh nghiệp. Thông qua các buổi trò chuyện, Lãnh đạo cấp cao đã mang đến nhiều câu chuyện hấp dẫn, kiến thức hữu ích cho nhân viên CMC. Thời gian tới, chuỗi chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức tại CMC. Để hấp dẫn hơn, Trung tâm RDC sẽ đa dạng hóa hình thức, ngoài chia sẻ/ diễn thuyết sẽ có thêm nhiều buổi tọa đàm các Lãnh đạo chia sẻ và lắng nghe tiếng nói từ nhân viên. |
7 CUỐN SÁCH HAY DÀNH CHO QUẢN LÝ MÀ ANH ĐẶNG THẾ TÀI KHUYÊN ĐỌC
1. Xây dựng để trường tồn 2. Từ tốt đến vĩ đại 3. Nghệ thuật lãnh đạo theo nguyên tắc 4. Xây dựng chiến lược theo quá trình 5. S-Business: Reinventing the Services Organization 6. Chiến lược đại dương xanh 7. Building Proffesional services |
BÀI HỌC CHIẾC XE BUÝT
Những con người trong doanh nghiệp giống như những hành khách trên một chiếc xe buýt. Nếu đã đồng lòng đi cùng nhau thì họ chỉ quan tâm đến người đồng hành, không quan tâm đến hướng đi. Một khi hành khách đã đồng lòng, xe có thể đổi hướng bất cứ lúc nào mà không ai xuống bến. Nếu đã không đồng lòng, chỉ cần xe đổi hướng tất cả các hành khách không đi về hướng đó sẽ tự động xuống xe. Với doanh nghiệp, các quy tắc quản lý ra đời chỉ dành để quản lý người không phù hợp. Lãnh đạo phải nhẹ nhàng đưa nhân viên mới vào guồng phù hợp và loại bỏ người không phù hợp. |