Với hiện trạng dữ liệu thông tin đang tăng nhanh hơn bao giờ hết và doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức như dữ liệu tăng trưởng dồn dập, dữ liệu thông tin quá lớn, dữ liệu thay đổi nhanh chóng và từ rất nhiều nguồn khác nhau. Sự tăng trưởng này dẫn đến mối lo ngại về khả năng sao lưu, chi phí lưu trữ và phức tạp trong quản lý. Việc phân tích thông tin nhanh chóng và chính xác sẽ giúp điều phối luồng xe, xử lý các tắt nghẽn giao thông, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ công tác quản lý và dự báo cho phát triển đô thị …Và một hạ tầng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn sẽ đảm bảo cho lưu trữ và bảo vệ dữ liệu, xử lý, phân tích thông tin, tiến tới một hệ thống Giao thông thông minh và tiếp tục lộ trình hình thành các đô thị thông minh tại Việt Nam trong tương lai.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu cũng là một trong những mảng quan trọng và linh hoạt nhất trong môi trường IoT hiện nay khi xét về độ cải tiến, chiến lược và đầu tư. Một trong những nhân tố chính cần cân nhắc để nhanh chóng chuyển đổi sang kiến trúc IT nhanh nhạy hơn, cải tiến hơn, đó là nhu cầu giải quyết các phức tạp có liên quan tới sự bùng nổ dữ liệu và sự phổ biến ngày càng rộng của việc ảo hóa. Cần nhanh chóng nâng cấp và hiện đại hóa hạ tầng cố hữu sang một hạ tầng mới linh hoạt, tin cậy hơn, có khả năng mở rộng. Một hạ tầng mạng có hiệu suất cao, đáng tin cậy, thông minh là nền tảng cho kiến trúc IoT thế hệ mới, vì hạ tầng dữ liệu chính là thành phần chính cho các nguồn cơ sở trong trung tâm dữ liệu.
Trong khuôn khổ Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam – VIETNAM ICT OUTLOOK (VIO 2015) với chủ đề “Internet of things – Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh” được diễn ra vào sáng ngày 24/09/2015 tại Lotte Legend Hotel, anh Phạm Văn Trung – Giám đốc khối Giải pháp dịch vụ hạ tầng đã có bài tham luận về “Hạ tầng trung tâm dữ liệu IoT”. Bài tham luận đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn trong việc đảm bảo cho lưu trữ và bảo vệ dữ liệu – thành phần quan trọng của Internet of Things.
Anh Phạm Văn Trung trình bày tại hội thảo
Theo anh Trung: “Giao thông thông minh nghĩa là có sự điều khiển, giám sát để đưa ra những quyết định kịp thời cho những người tham gia giao thông, để họ có được những quyết định đúng đắn trong những định hướng quyết định, lộ trình cần thiết cho mình sao cho việc giao thông được thuận tiện hơn. Ngoài ra còn các việc về thanh toán, việc về quản lý sẽ được đơn giản hơn và hiệu quả hơn.
Nói chung đây là một lĩnh vực lớn, tuy nhiên nếu cắt ra thành từng phân đoạn thì bài toán lớn có thể chia ra thành nhiều công đoạn, thành những dự án nhỏ và có thể triển khai ngay.
Ví dụ như việc giảm kẹt xe, cơ quan nhà nước cần quyết định đầu tư cho dự án xử lý kẹt xe, còn doanh nghiệp sẽ tham gia xây dựng công nghệ, giải pháp thu thập thông tin và truyền tải đến những nơi có thể ra quyết định xử lý hiện tượng đó. Đối với người tham gia giao thông sẽ cần có thiết bị (chẳng hạn thông qua điện thoại di dộng có kết nối) có thể tiếp nhận thông tin từ ban quản lý để chọn con đường đi tốt nhất.
Thuận lợi của các doanh nghiệp là luôn tiếp cận những công nghệ mới, có những giải pháp phù hợp nhưng khó khăn là khó có quyền quyết định là sẽ làm gì trong tương lai. Doanh nghiệp luôn mong mỏi sự định hướng, điều phối, tạo điều kiện của các đơn vị chủ quản nhà nước để sao cho năng lực của các doanh nghiệp sẽ phù hợp với những định hướng chung của các cơ quan quản lý.”
Anh Phạm Văn Trung trình bày tại hội thảo
Được biết, anh Phạm Văn Trung với 19 năm trong lĩnh vực CNTT (1996 – 2015); 10 năm trong lĩnh vực viễn thông và internet (2000-2009); 6 năm vận hành hệ thống mạng viễn thông – data center (2004 – 2009); 6 năm tư vấn thiết kế data center (2009 – 2015); từng tư vấn và triển khai nhiều dự án CNTT quan trọng cho các khách hàng lớn như: AnBinh Bank, BanViet Bank; Navi Bank; Tân Hiệp Phát, Tổng cục Hải quan, PVOil, PVFC… Đặc biệt, anh chính là người Việt Nam duy nhất tới thời điểm hiện tại nhận được chứng chỉ Certificate TIA-942 Design Consultant- chứng chỉ tư vấn và thiết kế Data Center theo tiêu chuẩn Mỹ.
Anh Phạm Văn Trung (thứ 2 từ trái qua) tiếp đoàn đại biểu từ Sở TTTT TP.HCM, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Trà Vinh, Hội tin học TP.HCM… đến tham quan gian hàng của CMC SISG
Với chủ đề giao thông thông minh, nội dung thảo luận tại VIO 2015 tập trung vào giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, giảm bớt tai nạn giao thông, phát huy hiệu quả các dự án giao thông được đầu tư. Giải pháp điều khiển giao thông thông minh (ITS), những hệ thống giám sát, những hệ thống thông tin tín hiệu cảnh báo, đo lường, thống kê, phân tích nào phù hợp cho việc điều tiết, quản lý giao thông. Giao thông thông minh là yếu tố cần thiết bước đầu để tiếp tục lộ trình hình thành các đô thị thông minh tại Việt Nam trong tương lai.
Gian hàng và mô hình trưng bày demo về hạ tầng trung tâm dữ liệu thế hệ mới của CMC SISG kết hợp với Schneider
Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 20 (VIO 2015) – sự kiện lớn nhất trong năm của Hội tin học TP.Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của gần 500 khách mời là các nhà quản lý, các chuyên gia công nghệ, nhà chiến lược, lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước của nhiều ngành nghề cùng hội ngộ, trao đổi, tìm kiếm và thảo luận về những mô hình ứng dụng CNTT hiệu quả cùng giải pháp CNTT phù hợp cho doanh nghiệp, tổ chức… Đặc biệt, VIO cũng là dịp để các nhà quản lý CNTT chia sẻ và lắng nghe kiến nghị chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng CNTT-TT; các địa phương, doanh nghiệp, người dùng CNTT nắm bắt kịp thời xu hướng CNTT cho những đầu tư trong tương lai.